Sáng hôm qua ngày 22/9/2022), tại Hợp tác xã Gạo Sóc Nê – Bù Đốp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước hỗ trợ các Hợp tác xã trong tỉnh xúc tiến đầu tư, thương mại giai đoạn 2022 – 2025.
Trước khi tổ chức lễ ký kết, Đoàn công tác Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Liên minh Hợp tác xã thăm và làm việc với Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê thảo mộc xã Tân Thành. Hợp tác xã có tổng 11 thành viên. Tổng số đàn dê của HTX khoảng 500 con, trong năm 2022 HTX đã hoàn thiện được cơ sở chế biến thịt dê đạt tiêu chuẩn của Sở Công thương tỉnh Bình Phước. Hiện tại HTX chế biến 03 sản phẩm: thịt dê xào lăn, thịt dê hấp gừng, thịt dê một nắng đóng túi hút chân không cung cấp cho khách hàng. Do HTX mới thành lập nên Hội đồng quản trị còn thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh, tìm kiếm thị trường…và thiếu vốn sản xuất mở rộng đàn dê theo hướng dê sạch, dê thảo mộc và xây dựng thương hiệu.
 |  |
Qua trao đổi với HTX, ông Trần Quốc Duy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước chia sẻ một số ý kiến hỗ trợ phát triển HTX trong thời gian tới như: - Việc đầu tiên và quan trọng nhất là các sản phẩm dê của HTX cần đạt chuẩn có đầy đủ giấy chứng nhận chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm,… - Nghiên cứu mô hình chăn nuôi dê của HTX với hệ sinh thái kết hợp du lịch ví dụ như mở rộng trồng cây so đũa, vùng trồng thảo mộc để có không gian thiên nhiên đẹp khách du lịch tới tham quan chụp hình, trải nghiệm thực tế cho dê ăn kết hợp bán các sản phẩm dê chế biến sẵn mang đặc trưng của địa phương… - Mở rộng chế biến các sản phẩm từ dê phong phú đa dạng hơn như dê khô, lẩu dê, sữa dê, bánh sửa dê chua…phục vụ được nhu cầu khác nhau của khách hàng. - HTX cần đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu như xây dựng trang web, fanpage, quay các videoclip giới thiệu về việc chăn nuôi dê, hướng dẫn chế biến các món ăn từ dê đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội, thiết kế tờ rơi, cardvisit giới thiệu thông tin về HTX đến người tiêu dùng… - Trung tâm hỗ trợ HTX tìm kiếm nhà đầu tư góp vốn mở rộng đàn nuôi, tham gia các chương trình Hội chợ triễn lãm, kết nối giao thương với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đại lý, nhà phân phối…Hỗ trợ viết bài quảng bá cho HTX trên hơn 30 tờ báo mạng.
Ông Trần Quốc Duy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tặng bộ sách làm giàu cho các thành viên HTX Sau đó, đoàn công tác đến thăm và làm việc với HTX Gạo Sóc Nê - Bù Đốp. HTX được thành lập ngày 23/11/2021 với tổng số 09 thành viên. Thị trường tiêu thụ gạo chủ yếu của HTX là thị trường tại chỗ ( huyện Bù Đốp) và các đơn vị, doanh nghiệp, các trường mầm non, tiểu học. Các sản phẩm gạo chủ yếu được HTX tiêu thụ và phân phối trên thị trường là các dòng sản phẩm gạo OM 5451, OM 4900 và Đài thơm, ST 24. Hiện tại HTX mới thành lập nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, các khâu làm thị trường, tiếp thị chưa có hiệu quả, vốn lưu động còn hạn chế nên việc thu mua lúa không đảm bảo số lượng nhập kho, thời gian nhập kho nên ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của sản phẩm.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đề xuất một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho HTX trong thời gian sắp tới như: - Hỗ trợ chính sách, thủ tục vay vốn ngân hàng cho HTX ưu tiên có thế chấp bằng tài sản cá nhân. - Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện Bù Đốp tìm kiếm giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để tạo vùng chuyên canh lúa cho HTX ổn định chất lượng đầu vào của sản phẩm từ đó sản xuất dòng gạo đặc trưng tiêu biểu của HTX, xây dựng thương hiệu Gạo Sóc - Nê nổi tiếng trên thị trường. - Đăng ký cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn, sản phẩm Ocop… - Mở rộng các sản phẩm chế biến sâu từ gạo như bánh gạo, rượu gạo… - Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu như xây dựng trang web, fanpage, quay các videoclip giới thiệu quy trình trồng lúa, xay xát đóng gói gạo đúng chuẩn đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội, thiết kế tờ rơi, cardvisit giới thiệu thông tin về HTX đến người tiêu dùng… Kết thúc buổi làm việc, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước ký kết chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước hỗ trợ các Hợp tác xã trong tỉnh xúc tiến đầu tư, thương mại giai đoạn 2022 – 2025.
Chương trình phối hợp với các nội dung như sau: 1. Về tập huấn, bồi dưỡng: Tổ chức 8 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, kỹ năng phát triển thị trường cho cán bộ quản lý hợp tác xã (1 năm /02 lớp). Trong đó tập trung nỗ lực vào hỗ trợ để xây dựng và thực thi kế hoạch đào tạo tăng cường năng lực lao động quản lý HTX cho các HTX đã được thành lập và thành lập mới về kiến thức và kỹ năng quản lý, kinh doanh, ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ thông tin theo yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại. 2. Về tổ chức hội thảo, hội nghị: Tham mưu UBND tỉnh tổ chức 04 hội nghị, hội thảo kết nối giao thương giữa các hợp tác xã và hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh để các hợp tác xã có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. 3. Về hội chợ, triễn lãm Phối hợp hỗ trợ 20 lượt hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Đảm bảo hỗ trợ đầy đủ và thiết thực để hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các hội chợ đạt kết quả tốt nhất, mang lại. Tạo điều kiện để các hợp tác xã trong tỉnh giới thiệu các sản phẩm địa phương, tăng cường mở rộng giao lưu với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để học tập trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tạo cơ hội cho các hợp tác xã giao lưu học hỏi, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong xu thế hội nhập. Nắm bắt nhu cầu thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, sạch và an toàn. Hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, từ đó giúp cho các hợp tác xã chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Góp phần hình thành các chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả. 4. Về thương mại điện tử: Hỗ trợ 08 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ như chuyển tiền điện tử, quản lý chuỗi dây chuyền cung ứng, tiếp thị Internet, quá trình giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI), các hệ thống quản lý hàng tồn kho, và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu giúp các HTX và doanh nghiệp tiếp cận tối đa lượng khách hàng tiềm năng, tìm kiếm được các nhà tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá cả tốt nhất… Hỗ trợ 04 hợp tác xã xây dựng và quản trị website, fanpage, chuyển đổi số trong nông nghiệp. 5. Về quảng bá, bao bì, thương hiệu: Phối hợp hỗ trợ 08 HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…; khuyến khích sử dụng các ISO (tiêu chuẩn) quốc tế. Liên kết HTX-doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng ATTP, có truy xuất nguồn gốc minh bạch thông tin ở các ngành hàng chủ lực, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản… nhằm xây dựng uy tín của HTX cũng như thương hiệu nông sản thực phẩm đối với người tiêu dùng. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các mô hình HTX tiêu biểu trên 30 - 40 trang báo, tạp chí, trang thông tin điện tử trong cả nước. 6. Về xây dựng Website, chuyển đổi số. Hỗ trợ 04 hợp tác xã xây dựng và quản trị website, fanpage, chuyển đổi số trong nông nghiệp. 7. Về tuyên truyền: Tuyên truyền đến 100% các HTX về vai trò của xúc tiến thương mại đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã hiện nay. 8. Về hỗ trợ xây dựng mô hình: Xây dựng 01 mô hình du lịch sinh thái tình nguyện do hợp tác xã điều hành, quản lý. Xây dựng 01 mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Tin tưởng rằng việc hợp tác này sẽ mang lại lợi ích thiết thực, đưa khu vực HTX nói riêng và thành phần kinh tế tập thể nói chung trở thành lực lượng to lớn, phát triển rộng khắp và phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế; bảo đảm quyền và lợi ích của các hộ nông dân, người tiêu dùng và hộ kinh doanh cá thể; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành viên.