TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI DU LỊCH BÌNH PHƯỚChttps://ittpc.binhphuoc.gov.vn/uploads/logoxtdt_vv.png
Thứ năm - 05/12/2024 22:24
Năm 2024 – cột mốc bứt phá quan trọng của tỉnh Bình Phước
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng.Kinh tế trong nước tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Khó khăn, thách thức trong công tác chỉ đạo điều hành còn rất lớn, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.
Với quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành; căn cứ vào các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; ban hành Chương trình hành động số 43/CTr-UBND ngày 01/02/2024 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với 12 nhóm giải pháp trọng tâm và 98 nhiệm vụ cụ thể.Trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng số; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng, phối hợp thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, tăng cường hoạt động của Tổ điều phối cấp tỉnh trong Hội đồng vùng; Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Trên cơ sở đó, các Sở, Ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thành kế hoạch của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 8,7% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 8-8,5%). Trong đó ngành nông lâm thủy sản tăng 5,1%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 13,9% (trong đó: công nghiệp tăng 15%), dịch vụ tăng 7,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,2%. Cơ cấu kinh tế ước đến hết năm 2024 chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng đã dịch chuyển tăng, chiếm tỷ trọng 45,96%, ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch giảm, chiếm 22,98%, dịch vụ chiếm 31,06%. Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của cả nước và của tỉnh, nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh luôn nỗ lực đạt được nhiều kết quả khả quan, tích cực trên tất cả lĩnh vực, đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức khá. GRDP Bình Phước có mức 9,32%, đứng đầu Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 cả nước, ước cả giai đoạn 5 năm đạt 9,4%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 13,4% so với năm 2023, ước đạt 108,4 triệu đồng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, thương mại, dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá, ổn định. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định.